Thời gian trôi nhanh quá, thế là cũng gần 3 tháng ngày cu Bon cất tiếng khóc chào đời.
Em vẫn nhớ tháng cuối cùng mang bầu, bà chị dâu lên thăm rồi mang cho một túi bóng đầy lá đinh lăng bảo “Đem phơi khô đi, sau sinh sẽ cần dùng tới đấy”. Em cũng đem phơi theo cách chị hướng dẫn rồi bọc ni lông cất sẵn trong bếp.
Gần ngày sinh, thấy trên mạng hướng dẫn cách làm gối đinh lăng để trẻ sơ sinh dễ ngủ, em cũng lọ mọ rồi khâu khâu vá vá. Khâu xong gối được khoảng 1 tuần thì em đi sinh. Nhớ lại ngày đó lại thấy “nổi da gà”, em đẻ mổ, ca sinh nở diễn ra khá suôn sẻ. Cứ tưởng mẹ tròn con vuông thì xong rồi, từ giờ chỉ việc chăm con thôi.
Nào ngờ những ngày mới từ viện về mới thật sự kinh hoàng. 3 ngày sau sinh, ngực em căng cứng như hòn đá, đau nhức vô cùng. Sau sinh 1 tuần thì em lên cơn sốt, bác sĩ đến khám rồi kết luận em bị tắc tia sữa, bác sĩ giải thích rằng: Sinh con lần dầu nên các mạch sữa chưa thông hết, con lại còn nhỏ nên chưa ăn nhiều, sữa lại về nhanh nên bị tích tụ lại đương nhiêu sẽ gây đau đớn.
Ngay chiều hôm đó, bà ngoại Bon từ quê lên chăm em. Biết em bị tắc sữa, lại thấy trong bếp có túi lá đinh lăng khô, bà mừng rỡ: “May quá, có lá này thì yên tâm rồi”. Bà đem lá đinh lăng nấu cùng cháo móng giò cho em ăn, rồi động viên cố ăn nhiều để mạch sữa sẽ dễ thông. Từ hôm đấy, bữa thì bà nấu cháo, bữa thì bà đi xin lá đinh lăng tươi về nấu với thịt nạc cho em ăn.
Công nhận bài thuốc của mẹ em hiệu quả thật. Em ăn đến bữa thứ 3 thì mạch sữa đã thông hẳn ra, có khi đang ngồi ăn mà sữa cũng chảy ra ướt áo. Thế là cả tháng cữ, em không hề thấy mệt mỏi, đau đớn quá nhiều vì những bài thuốc lá đinh lăng giúp hồi phục nhanh sau sinh.
Mà thêm một điều rất tuyệt vời nữa, ai đến thăm em cũng khen trong phòng có gì mà thơm thế. Hóa ra mùi thơm phát ra từ chiếc gối đinh lăng em đã làm cho con trước sinh. Ai biết cũng khen em khéo, trẻ sơ sinh mà có gối đinh lăng thì sẽ ngủ ngon, chống co giật, tránh đổ mồ hôi đầu, gáy cho bé, giảm nguy cơ sốt cao, kích thích thần kinh phát triển… Em đã giúp con thoát khỏi biết bao nhiêu bệnh, lại tự cứu mình khỏi tắc tia sữa nhờ loại lá “thần kỳ” này, nghĩ lại thấy mình may mắn vô cùng.
Mẹ nào muốn thực hiện thì để em hướng dẫn cách làm nhé:
1. Cách phơi lá đinh lăng
– Đầu tiên, các mẹ nên cẩn trọng từ việc chọn lá. Mẹ nên chọn những lá nhỏ đã hơn 3 năm tuổi trở lên để lá có vị thơm. Chỉ chọn lấy phần lá không được lấy cành và gân lá.
– Sau đó, quá trình phơi lá rất quan trọng đấy mẹ nhé. Phơi ẩu không những làm lá đinh lăng sẽ bị mốc ngay mà còn có mùi rất hắc nữa. Trước khi phơi, lá đinh lăng cần phải được rửa thật sạch tránh bụi bẩn đảm bảo vệ sinh. Sau đó mẹ hãy phơi lá đinh lăng đã rửa sạch trong bóng râm, tránh ánh nắng trực tiếp để giữ lại hương thơm tự nhiên của lá.
– Mùa nắng hanh (ngoài Bắc) là thời điểm tốt nhất để phơi lá đinh lăng. Khi phơi nhơ đảo và canh đều nắng. Cách phơi lá Đinh lăng tốt nhất là phơi lá khô đúng độ. Tức là khi lá vừa khô tới, còn độ mềm dẻo, không được ròn quá, thì thu lại, đóng vào bao và đem bảo quản nơi khô mát.
2. Lá đinh lăng khô làm gối cho con ngủ ngon
Chuẩn bị
– Lá đinh lăng khô
– Vỏ gối cotton (có thể may sẵn hoặc mua)
– Kim, chỉ, bông…
Cách làm
Mẹ lấy lá đinh lăng và bông gòn polyester (loại chuyên dùng làm gối) trộn đều theo tỷ lên 1:1 để nhét vào, may ruột gối cho con. Tỷ lệ lá đinh lăng và bông gòn phải đều nhau, tránh mùi hương lưu trên gối quá hắc.
Vải cotton sẽ là loại vải phù hợp nhất để bạn chọn may gối cho bé. Khi may cũng cần lưu ý độ dày của gối. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi, nên sử dụng loại gối có kích thước 25cm x 35cm.
Lưu ý: Gối đinh lăng được làm hoàn toàn từ thiên nhiên có hạn sử dụng khá lâu, khoảng từ 8 tháng đến 1 năm. Cứ cách 1 tháng các mẹ nên mang gối ra phơi dưới bóng râm 20 phút để gối được thông thoáng, khô ráo. Tránh phơi dưới ánh nắng mặt trời vì sẽ làm lá đinh lăng trong ruột gối bị hư, vụn nát…
3. Nấu cháo móng giò đinh lăng chữa tắc tia sữa
Cách làm như sau:
Chuẩn bị:
– Gạo tẻ 100g,
– Móng giò lợn 1 cái,
– Lá đinh lăng phơi khô 24g
– Gia vị vừa đủ.
Cách làm:
– Móng giò lợn làm sạch, lá đinh lăng cho vào ấm đun nước nấu sôi 15 phút, lọc bỏ bã lấy nước.
– Cho nước đinh lăng vào cùng gạo, móng giò hầm kỹ thành cháo.
– Khi cháo chín cho gia vị, ăn nóng.
Lá đinh lăng có công dụng chống viêm và giảm đau. Móng giò thì bổ âm sinh thủy, lợi sữa còn gạo tẻ bổ tỳ, dưỡng cơ nhục. Do đó món cháo này phù hợp những mẹ bị đau ngực, sốt nhẹ, tắc tia sữa hoặc trường hợp các mẹ da xanh, gầy yếu, thiếu máu, cơ thể suy nhược, ăn uống kém…
Trong trường hợp chưa kịp phơi, mẹ hãy lấy lá đinh lăng tươi rồi làm thế này thì vừa hồi phục nhanh sau sinh lại vừa chữa dứt điểm việc tắc tia sữa. Bảo đảm gọi sữa về hiệu quả hơn cả cháo chân giò, gà hầm tam thất…
Cách làm: Dùng 150-200g lá đinh lăng tươi, nấu sôi khoảng 200 ml nước. Cho tất cả lá vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần.
Sau 5- 7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200 ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai để uống.