Tính cách và trí não của trẻ sau khi chào đời không chỉ phụ thuộc vào bộ gen mà còn chịu ảnh hưởng trong quá trình mẹ mang thai. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ, mẹ cũng cần chú ý nuôi dưỡng tinh thần và cảm xúc của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Khi mang bầu, chế độ dinh dưỡng, trạng thái cảm xúc và sự tương tác giữa bố mẹ với em bé đều ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ của trẻ sau khi chào đời. Vì vậy, trong thời gian mang thai, mẹ cần có lối sống và thói quen sinh hoạt phù hợp để trẻ phát triển toàn diện nhất ngay từ thời kỳ phôi thai.
Mẹ hãy thường xuyên thực hiện các việc dưới đây để giúp bé kế thừa được những gen tốt nhất từ bố mẹ.
1. Kể chuyện cho bé
Nền tảng ngôn ngữ của trẻ có thể được hình thành ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Trong 3 tháng cuối cùng của thai kỳ, trẻ có thể ghi nhớ những âm thanh mình thường được nghe.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ khuyên các bà mẹ nên thường xuyên đọc sách cho bé nghe khi mang bầu. Dù chỉ là những cuốn sách thiếu nhi cũng rất có ích cho sự phát triển ngôn ngữ và tư duy của trẻ.
2. Tập thể dục
Khi mẹ bầu tập thể dục, lượng endorphin tăng lên cũng sẽ làm em bé cảm thấy hạnh phúc. Các hormone được sản sinh từ các bài tập thể dục này sẽ đi qua nhau thai và giúp em bé cảm thấy vui vẻ.
Nghiên cứu cho thấy, tập thể dục trong quá trình mang thai sẽ làm tăng 40% số lượng nơron thần kinh ở vùng đồi thị não của em bé – vùng quyết định khả năng học tập, khả năng tư duy và trí nhớ của trẻ.
Ngoài ra, các bài thể dục sẽ làm tăng tuần hoàn máu trong cơ thể mẹ, bao gồm cả lượng máu trong tử cung thúc đẩy sự phát triển của bé.
Mẹ nên chọn những bài tập nhẹ nhàng phù hợp với bà bầu để nâng cao sức khỏe cho cả mẹ và bé.
3. Tắm nắng
Theo nghiên cứu, các mẹ bầu nên đón nắng buổi sáng khoảng tầm 20 phút mỗi ngày để cơ thể hấp thụ vitamin D.
Theo thống kê, khoảng 70% phụ nữ mang thai thiếu hụt vitamin D trong thời kỳ mang thai, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương và tim của bé.
Mẹ bầu có thể đi dạo dưới nắng 20 phút trong khoảng thời gian từ 7-8h sáng để cơ thể hấp thụ vitamin D tốt nhất.
4. Massage bụng
Khi được 20 tuần tuổi, em bé bắt đầu cảm nhận được lúc bố mẹ chạm tay vào bụng mẹ. Điều này sẽ giúp tăng thêm sự gắn kết giữa bố mẹ và bé.
Mẹ bầu có thể sử dụng thêm tinh dầu hạnh nhân hoặc các loại tinh dầu khác trong quá trình massage, vừa giúp bé thư giãn vừa giúp da mẹ căng mịn, chống rạn da.
5. Trò chuyện cùng bé
Từ 16 tới 27 tuần tuổi, bé hoàn toàn có thể nghe được những gì mẹ nói. Ngoài việc đọc truyện, kể chuyện cho trẻ, mẹ có thể trò chuyện với con về những niềm vui hàng ngày trong cuộc sống.
Các nghiên cứu cho thấy, trẻ sẽ có phản ứng và học theo giọng điệu, ngôn ngữ của bố mẹ ngay từ giai đoạn này. Bố và mẹ hãy bắt đầu trò chuyện cùng thai nhi để con phát triển tốt khả năng ngôn ngữ.
6. Thực đơn đa dạng mỗi ngày
Thai nhi bắt đầu phát triển vị giác từ tuần thứ 12, nên mẹ cần thay đổi thực đơn mỗi ngày để bé thường xuyên được “đổi món” và có vị giác phát triển toàn diện.
Tới tuần thứ 25, bé sẽ cảm nhận được mọi mùi vị mà mẹ ăn, thậm chí nếu mẹ thường xuyên ăn một loại thực phẩm nào đó, bé sinh ra cũng thích loại thực phẩm đó.
7. Cho bé nghe nhạc
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, âm nhạc có thể giúp thai nhi phát triển toàn diện về trí não và nhạy cảm với các âm thanh hơn.
Âm nhạc không chỉ giúp các mẹ giải tỏa căng thẳng mệt mỏi mà còn giúp thai nhi cảm thấy vui vẻ. Thai nhi nghe nhạc từ trong bụng mẹ khi sinh ra sẽ có khả năng giữ bình tĩnh kiềm chế tốt hơn.
8. Hát ru cho bé
Ngoài những bài hát hay bản nhạc nhẹ nhàng dành cho bé, những câu hát ru ngọt ngào và chứa đầy tình cảm của mẹ cũng giúp bé cảm thấy vui vẻ, phát triển trí não và hoàn thiện cảm xúc.